Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới truyền thông trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

14:37 17/04/2025

Ngày 16/4/2025, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và các đơn vị phối hợp thực hiện Đề án khoa học cấp Bộ trọng điểm “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới truyền thông của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” (Đề án).

GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Học viện phát biểu chỉ đạo

GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Học viện dự và chủ trì cuộc họp.

Dự họp có các đồng chí đại diện lãnh đạo các đơn vị đến từ Bộ Tư lệnh 86, Trường Sĩ quan Chính trị Bộ Quốc phòng; lãnh đạo các tạp chí, bản tin, trang tin thuộc Học viện.

Đại biểu dự họp

Phát biểu chỉ đạo, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Học viện cho biết, ngay từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Ban Giám đốc, Ban Chỉ đạo 35 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã xác định, cùng với nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng thì tuyên truyền, giáo dục là một nội dung trọng tâm trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW. Do vậy, trong những năm qua, công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được Học viện triển khai đồng bộ, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tính kết nối và mức độ lan tỏa của các kênh và các sản phẩm truyền thông còn hạn chế.

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của cuộc họp, GS,TS Lê Văn Lợi đề nghị các đại biểu dự họp tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Đề án thời gian qua; xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp triển khai các công việc của Đề án trong thời gian tới; đặc biệt là việc triển khai đợt truyền thông cao điểm để tổ chức vận hành thử mạng lưới truyền thông theo cơ chế vận hành đã xây dựng, từ đó rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế vận hành.

Đại biểu dự họp

Đại biểu dự họp

Trên cơ sở báo cáo tổng quan về mạng lưới truyền thông của Học viện và kết quả thực hiện Đề án được trình bày, các đại biểu đã tập trung trao đổi, nhận diện rõ thuận lợi, khó khăn của các kênh truyền thông như tạp chí, bản tin, cổng thông tin điện tử, nhà xuất bản cũng như các kênh chính danh, ẩn danh khi tham gia mạng lưới truyền thông ở đợt tuyên truyền cao điểm và đề xuất những giải pháp, cách thức để vận hành đợt tuyên truyền cao điểm một cách có hiệu quả.

Các ý kiến cũng trao đổi, làm rõ khó khăn và đề xuất cơ chế lãnh đạo, điều hành, quản lý, vận hành, kết nối của các kênh truyền thông trong mạng lưới tổng thể cũng như các điều kiện đảm bảo về cơ chế, chính sách, hạ tầng thông tin, kỹ thuật, đảm bảo an ninh, an toàn trên không gian mạng. Trong đó, nhiều ý kiến đề cập sâu về cơ chế chỉ đạo, điều hành mạng lưới, định hướng phát triển các kênh truyền thông, qua đó giúp khắc phục độ “trễ” của thông tin trên các tạp chí, bản tin, ấn phẩm xuất bản truyền thống so với không gian mạng, cơ chế sử dụng các tài nguyên thông tin để nâng cao tính chính luận cho các sản phẩm truyền thông trên không gian mạng.

Các tham luận cũng dành nhiều thời gian trao đổi, chia sẻ về cách thức lan tỏa các sản phẩm truyền thông trong đợt tuyên truyền cao điểm; phương thức đo lường, đánh giá cụ thể về mức độ tương tác, lan tỏa, chia sẻ trên các kênh truyền thông cũng như cách thức huy động các lực lượng tham gia xây dựng nội dung các kênh cũng như tham gia lan tỏa, chia sẻ.

GS,TS Lê Văn Lợi và các đại biểu chụp ảnh chung

Tin: BBT; ảnh: Đức Mạnh